Tìm hiểu về chùa Tây Phương ở Thạch Thất, Hà Nội

Bài viết này tổng hợp tất cả các thông tin và kiến thức liên quan đến chùa Tây Phương ở khu vực Thạch Thất, Hà Nội. Địa chỉ, lịch sử, các nét văn hóa và kiến trúc của chùa Tây Phương.


Địa Điểm: Chùa Tây Phương tọa lạc trên ngọn núi Tây Phương ở thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội.

Trụ Trì: Sư cụ Đàm Thanh

Ngày Lễ Chính: Vào ngày 6 tháng 3 âm lịch hằng năm.

Chùa Tây Phương có tên chữ là Sùng Phúc tự, tọa lạc trên đỉnh đồi Tây Phương, hình cong như lưỡi câu (xưa gọi là núi Câu Lậu) cao chừng 50m, thuộc núi Ngưu Lĩnh (núi Con Trâu), xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây cũ, thành phố Hà Nội nay. Chùa cách trung tâm Hà Nội 40 km về hướng Tây Bắc, cách thị xã Sơn Tây 18 km về hướng Đông Nam.

Lịch Sử: Chùa được xây dựng vào thời nhà Mạc, nhưng không chứng minh. Niên đại này có thể tin được, vì đầu thế kỷ 17 vào những năm 30 chùa đã phải sửa chữa lớn, hơn nữa trong chùa còn hai tấm bia đều bị mờ hết chữ nhưng còn đọc được rõ tên bia ở mặt ngoài là Tín thí và Tây Phương sơn Sùng Phúc tự thạch bi (mặt bia kia áp vào tường hồi toà chùa giữa nên không đọc được), các hoa văn trang trí thuộc phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ 16 sang đầu thế kỷ 17.

​Năm 1632, vào đời vua Lê Thần Tông, chùa xây dựng thượng điện 3 gian và hậu cung cùng hành lang 20 gian. Khoảng những năm 1657-1682, Tây Đô Vương Trịnh Tạc lại cho phá chùa cũ, xây lại chùa mới và tam quan. Đến năm 1794 dưới thời nhà Tây Sơn, chùa lại được đại tu hoàn toàn với tên mới là "Tây Phương Cổ Tự" và hình dáng kiến trúc còn để lại như ngày nay. Đây là ngôi chùa cổ thứ 2 sau chùa Dâu (Bắc Ninh) ở nước ta.
Kiến Trúc: Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu chữ Tam với ba toà cấp dọc theo sườn núi, dựa vào thế núi từ thấp lên cao thành ba ngôi chùa song song với nhau gồm có chùa: Chùa Hạ, chùa Trung, Chùa Thượng. Mỗi toà đều có kiến trúc riêng rẽ nhưng lại kết hợp thành một quần thể. Mái chùa rất đặc biệt có những góc đao cong vút lên, cấu tạo theo kiểu hai lớp, hình thành một không gian rộng và thoáng đãng. Nét đặc sắc nhất của chùa là hệ thống tượng pháp.
Tổng cộng trong chùa có khoảng 82 pho tượng gỗ theo kiểu tượng tròn được đánh giá vào loại bậc nhất về nghệ thuật tạc tượng cổ nước ta.

Phía góc của chùa Hạ là 8 pho tượng Kim Cương đang trong tư thế tiến thoái của võ thuật với dung mạo bất phàm. Phía bên chùa Trung là pho tượng Di đà cao sừng sững. Phía bên chùa Thượng, đặt cao nhất là tượng Tam thế đặc tả rất tinh vi, bên dưới là tượng Đức Thế Tôn giáng sinh, hai bên là bốn tôn giả: Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất, Đại Ca Diếp, A Nan Đà.

Đặc biệt hơn cả là 18 pho tượng La Hán lớn bằng người thật trong các tư thế khác nhau ở hai bên tường lâu của thượng điện. Giống như nhà thơ Huy Cận miêu tả, mỗi vị là một nỗi khổ, cử chỉ, dáng điệu riêng thể hiện những tính cách khác nhau khá sinh động và hiếm thấy trong nghệ thuật điêu khắc cổ nước ta.

Ấn tượng không ai có thể quên là bức tượng tạc một người có tuổi, thân mình gầy gò, má hóp mắt sâu rất khác thường ngồi trong tư thế một chân xếp bằng một chân co, một tay đặt trên đầu, còn tay kia đặt vào lòng. Đó là tượng Đức Thế Tôn Tuyết Sơn. Tượng đạt đến cao độ của nghệ thuật siêu đẳng, thể hiện rõ một thân thể đau khổ sau sáu năm liền tu luyện trên núi Tuyết Sơn.

Hàng năm chùa cổ Tây Phương tổ chức lễ hội vào ngày 6 tháng 3 âm lịch. Đây là dịp để du khách vừa là đi lễ chùa vừa là để thăm quan những công trình nghệ thuật nguy nga và tráng lệ của mảnh đất Hà Nội.

Tây Phương là ngôi chùa nổi tiếng về kiến trúc và điêu khắc bậc nhất ở Việt Nam. Hằng ngày, chùa đón tiếp đông đảo Phật tử, du khách trong nước, nước ngoài đến tham quan, chiêm bái.

Nhận xét